Bệnh đau dạ dày là bệnh lý ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại. Người bệnh phải chịu nhiều đau đớn do cơn đau thường kéo dài và tái đi tái lại.

Biểu hiện đau dạ dày dữ dội có thể do viêm, do thủng dạ dày hoặc xuất huyết dạ dày. Bài viết sau sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản để bạn biết cách xử trí khi gặp phải cơn đau dạ dày dữ dội.

Biểu hiện cơn đau dạ dày dữ dội

Biểu hiện cơn đau dạ dày dữ dội

Bình thường, các cơn đau dạ dày thể nhẹ ở mức có thể chịu đựng được, nhưng cơn đau cấp thường tiến triển nhanh và dữ dội với các biểu hiện:

– Cảm giác đau dữ dội ở vùng thượng vị, đau liên tục ập đến và kéo dài. Đau ngay cả khi thở, thở càng mạnh càng đau. Cơn đau lan ra phía sau ngực, lan lên vai và ra phía sau lưng.

– Người đau mặt tái xanh, chân tay lạnh, mạch đập nhanh, có thể xảy ra tụt huyết áp. Người bệnh cảm thấy môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi kèm sốt cao.. do nhiễm khuẩn.

– Những cơn đau gò cứng khiến thành bụng cứng như gỗ.

– Khi ấn tay vào ổ bụng thấy đau.

– Cơn đau đôi khi kèm biểu hiện nôn, đặc biệt nôn ra máu tươi.

Các bước xử trí khi bị đau dạ dày dữ dội

Khi có biểu hiện đau dạ dày dữ dội cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để phát hiện và điều trị kịp thời. Gợi ý 4 bước sau giúp xử trí cơn đau dạ dày hiệu quả hơn:

  • Bước 1: Cần trấn an tinh thần bệnh nhân để cơn đau không nặng thêm.
  • Bước 2: Để bệnh nhân ở tư thế dễ chịu nhất (có thể nằm nghiêng, nằm úp..) và chườm nóng bụng.
  • Bước 3: Chuẩn bị võng, cáng để đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Bước 4: Cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh đã mắc phải của người bệnh: có bị trào ngược, tiêu chảy, táo bón hay vàng da, có máu trong nước tiểu không, vị trí đau, các loại thuốc đã và đang sử dụng, có dùng chất kích thích nào không?

Khi đã cấp cứu qua khỏi cơn đau, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang (nếu chắc chắn không bị thủng dạ dày) hoặc nội soi dạ dày, nếu người bệnh chưa ăn uống gì để phát hiện nguyên nhân.

Điều trị đau dạ dày dữ dội

Tùy vào nguyên nhân gây ra cơn đau dạ dày dữ dội mà bác sĩ có phương pháp điều trị cụ thể:

  • Đau do viêm cấp: được chỉ định sử dụng thuốc bao niêm mạc dạ dày, thuốc giảm tiết axit, thuốc kháng sinh, kháng viêm.
  • Đau do thủng dạ dày: áp dụng phẫu thuật đóng vết thủng, điều trị hậu phẫu.
  • Xuất huyết dạ dày: dùng tia laser đóng tia máu, dùng dòng điện, chất keo cầm máu, sóng viba, kim chích cầm máy… giúp giảm tình trạng xuất huyết. Truyền máu khi bệnh nhân mất máu nhiều.

Phòng ngừa bệnh đau dạ dày

Chế độ ăn uống, sinh hoạt có vai trò rất quan trọng với người bị bệnh đau dạ dày. Vì vậy, nên thực hiện các quy tắc ăn uống, sinh hoạt sau đây:

  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc.
  • Ăn uống thanh đạm, ăn những thứ dễ tiêu hóa. Tránh ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá.
  • Khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ sẽ có lợi cho tiêu hóa. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn ít trong mỗi bữa. Ăn uống phải đúng giờ.
  • Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng cho cơ thể
  • Đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ.