Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trú ngụ trong hệ tiêu hóa, phổ biến là ở dạ dày và tá tràng nhưng đa phần không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi, khuẩn HP sẽ hoạt động, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng, thực quản và gây ra nhiều bệnh lý như viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm dạ dày mạn tính. Khi tình trạng viêm tái đi tái lại, cơ thể không thể tự sửa chữa sẽ để lại sẹo và có thể dẫn đến ung thư.

Các đường lây truyền vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP lây lan và xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều con đường. Dưới đây là 4 con đường chính lây nhiễm khuẩn HP:

  • Lây truyền qua miệng – miệng: Đây là con đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP. Chúng tồn tại trong khoang miệng, có trong dịch nước bọt hoặc dịch bao tử của người bệnh. Nếu người lành tiếp xúc với dịch chứa vi khuẩn HP, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chúng có thể trú ngụ ở nhiều cơ quan khác của cơ thể trước khi xâm nhập dạ dày, tá tràng để gây bệnh.
  • Lây truyền qua dạ dày – miệng: Vi khuẩn HP thường trú ngụ tại niêm mạc dạ dày, sau đó sẽ sinh sôi và di chuyển khắp mọi nơi. Những người mắc bệnh tiêu hóa như trào ngược là cơ hội để vi khuẩn lên khoang miệng, sau đó lây truyền với người khác qua tiếp xúc dịch nước bọt.
  • Lây truyền qua đường phân – miệng: Vi khuẩn HP trong đường tiêu hóa cũng bài tiết ra ngoài theo đường tiêu và có thể lây lan cho cộng đồng. Việc xử lý chất thải rắn không đúng cách, thói quen ăn uống không vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm sống, chưa chế biến kỹ như (nộm, tái) có thể làm lây nhiễm HP.
  • Lây truyền qua đường dạ dày – dạ dày: Con đường lây nhiễm này thường xảy ra khi người bệnh nhiễm khuẩn HP thực hiện các thủ thuật y tế như nội soi dạ dày, thực quản… Thủ thuật khiến vi khuẩn bám vào thiết bị từ trong cơ thể người bệnh đưa ra ngoài. Nếu các thiết bị không được khử trùng đúng cách, vi khuẩn bám lại sẽ gây lây lan cho người lành khi sử dụng.
con đường lây truyền của vi khuẩn HP
Lây truyền qua miệng – miệng là con đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP

Cách phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP

Để hạn chế lây nhiễm HP trong cộng đồng, cần chủ động ngăn chặn các con đường lây lan, hạn chế lây nhiễm chéo bằng cách:

  • Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ: Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là nhà vệ sinh, nhà bếp; diệt trừ ruồi muỗi, vệ sinh bát đũa sạch sẽ, nên tráng nước sôi vào dụng cụ ăn uống chung. Các thành viên trong gia đình không nên dùng chung các đồ dùng cá nhân (khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo râu), dụng cụ ăn uống, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Không đi vệ sinh bừa bãi ở ao, hồ, sông, suối vì dễ lây nhiễm cho cộng đồng.
  • Thói quen ăn uống khoa học: Bên cạnh giữ gìn vệ sinh, thói quen ăn uống đúng cách cũng là yếu tố ngăn ngừa, hạn chế vi khuẩn HP lây lan. Mọi người nên chú ý một số thói quen như không gắp thức ăn cho cho nhau; không dùng chung bát nước chấm; không mớm thức ăn cho bé; hạn chế ăn uống ngoài đường, không đảm bảo vệ sinh; ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng thực phẩm tái, sống (nộm, gỏi, tiết canh). Lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc rõ ràng, trước khi nấu cần ngâm rửa kỹ giúp hạn chế vi khuẩn HP phát tán trong dạ dày.
  • Lưu ý thói quen sinh hoạt: Không nên tiếp xúc thân mật với người bị nhiễm bệnh, không hôn lên môi của trẻ nhỏ để tránh nguy cơ lây lan vi khuẩn HP. Người bị nhiễm HP không nên nêm nếm thức ăn khi nấu ăn. Những người bệnh cần thực hiện nội soi kiểm tra các bệnh lý đường tiêu hóa, ở các cơ sở y tế, bệnh viện có trang bị hệ thống máy rửa, đảm bảo quy trình khử khuẩn ống soi. Điều này giúp lưu giữ máy nội soi sạch và an toàn trong 72 giờ. Qua đó, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ các thiết bị y tế này.

Vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày, khoang miệng và cả bên ngoài không khí, chúng có khả năng lây nhiễm nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp nếu không biết cách phòng ngừa và kiểm soát. Mọi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa và phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh biến chứng và lây nhiễm cho người khác.