Đau dạ dày hậu Covid là tình trạng gặp ở khá nhiều bệnh nhân. Sau khi âm tính Covid-19, nhiều người vẫn bị đau dạ dày dai dẳng, tái phát,… Vậy nên làm thế nào để kiểm soát tình trạng này?

Đau dạ dày hậu Covid-19

Sau khi trải qua Covid-19, nhiều người gặp phải đau bụng do vấn đề dạ dày. Các nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày thường bao gồm chế độ ăn uống không đúng, sinh hoạt không điều độ, sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau hoặc kháng sinh, thiếu ngủ, và căng thẳng tâm lý.

Trong quá trình nhiễm Covid-19, người bệnh thường có thói quen ăn uống không tốt, sử dụng nhiều loại thuốc, đồng thời còn gặp tình trạng lo lắng, mất ngủ, và căng thẳng kéo dài. Đây là các nguyên nhân gây tái phát đau dạ dày đối với những người đã từng mắc viêm loét dạ dày.

đau dạ dày hậu covid
Đau dạ dày hậu Covid

Để cải thiện tình trạng ăn không tiêu, đau dạ dày sau khi chữa khỏi Covid-19, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi đúng mức để phục hồi sức khỏe. Hơn nữa, bệnh nhân cần tránh căng thẳng tâm lý. Nếu có các vấn đề sức khỏe kéo dài sau giai đoạn Covid-19, người bệnh nên đi khám để nhận được liệu trình điều trị phù hợp.

Lời khuyên kiểm soát cơn đau dạ dày hậu Covid

Để kiểm soát tình trạng ăn vào bị đau dạ dày sau khi mắc Covid-19, người bệnh nên:

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Để có sức khỏe tốt, người có bệnh lý ở dạ dày cần đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các nhóm chất: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.

Tinh bột: Ngũ cốc.

Thịt, trứng, sữa, cá, đậu, đỗ…

Chất béo: Mỡ động vật và dầu thực vật.

Vitamin và khoáng chất: Rau, củ, quả tươi.

Chọn thực phẩm tốt cho dạ dày

Người bị đau dạ dày hậu Covid-19 nên ưu tiên những thực phẩm sau:

Người bị viêm loét dạ dày nên ăn thực phẩm có tính bao phủ niêm mạc dạ dày như: ngũ cốc, bánh mì, bánh quy, gạo nếp, khoai củ, mật ong…

Nên ăn thực phẩm nấu mềm, chín, giàu dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng cho niêm mạc ruột như sữa, cháo, súp, các món ninh nhừ, hầm mềm

Nên ăn thịt nạc: Thịt lợn nạc, thịt bò nạc, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da

Lựa chọn chất béo lành mạnh: Dầu oliu, bơ, các loại hạt…

Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do tiêu hóa và hấp thu kém ở người mắc bệnh dạ dày. Tuy nhiên, cần lưu ý không ăn nhiều trái cây có tính axit (trái cây họ cam quýt).

Hạn chế thực phẩm gây đau dạ dày

Người bị đau dạ dày hậu Covid-19 cũng nên hạn chế những thực phẩm có thể khiến bệnh tình trở nặng như:

Hạn chế thực phẩm làm thay đổi môi trường pH của dạ dày: Thức ăn vị cay, chua, tiêu, ớt, giấm, tỏi…

Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, trà đặc, cà phê, nước uống có ga, thức ăn muối chua, nhiều muối,… vì dễ gây tăng tiết dịch vị, sinh hơi, làm tái phát cơn đau dạ dày.

Hạn chế thực phẩm chiên, rán, xào.

Hạn chế thực phẩm thô cứng, nhiều gân, xơ,….

Hạn chế uống rượu bia, tốt nhất là không nên uống vì rượu bia gây kích thích dạ dày, làm chậm quá trình chữa lành bệnh.

Không ăn thức ăn lạnh, đồ ăn để lâu, món tái sống (nem chua, gỏi cá, tiết canh,…). Đây là các loại thức ăn không tốt cho dạ dày, dễ gây tiêu chảy, ngộ độc làm suy yếu chức năng dạ dày.

Ăn chậm, nhai kỹ và chia thành nhiều bữa nhỏ

Hậu Covid-19 người có tiền sử viêm loét dạ dày nên chú ý tới cách ăn uống để tránh làm tổn thương hoặc quá tải cho dạ dày. Vì khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, kích thích thì rất dễ tái phát các cơn đau, làm nặng thêm các tổn thương viêm loét trước đó.

Một số nguyên tắc người bệnh cần nhớ gồm:

– Không ăn quá no hoặc để bị đói quá.

– Nên chia ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bữa tối nên cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Người bệnh không nên quá khuya để tránh việc dạ dày phải hoạt động quá tải về đêm.

– Ăn chậm, nhai kỹ.

– Sau khi ăn không nên vận động mạnh, chạy nhảy, tập thể dục hoặc làm việc quá sức.

– Tránh căng thẳng, stress, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn.

Sau khi trải qua Covid-19 và bị đau dạ dày, người bệnh nên tập trung vào việc ăn uống đầy đủ và bổ sung thực phẩm giàu calo, protein và rau quả tươi để cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, duy trì tâm lý thoải mái, thường xuyên vận động và nếu cần, đến khám sức khỏe. Điều này sẽ giúp mỗi người có sức khỏe tốt hơn.

Biến chứng sau Covid-19 có thể tồn tại trong mỗi người theo thời gian khác nhau, kéo dài từ vài tuần đến nhiều tháng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc đi khám sức khỏe sớm giúp phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng do SARS-CoV-2 gây ra, từ đó nhanh chóng hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường, với tình trạng sức khỏe tốt.