Những cơn đau dạ dày âm ỉ kéo dài hoặc quặn thắt từng cơn vùng thượng vị gây gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ cho biết, tình trạng này có thể do tiêu hóa khó, dị ứng thực phẩm, ăn thức ăn ôi thiu hoặc mắc các bệnh lý tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, sỏi mật… Đôi khi, đau bụng ban đêm cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân bệnh lý khác ngoài hệ tiêu hóa như sỏi thận, tuy nhiên, trường hợp này hiếm gặp. Dưới đây là một số gợi ý giúp cải thiện hoặc làm giảm những cơn đau dạ dày xảy ra vào ban đêm.

Ăn tối sớm với lượng vừa đủ

Ăn tối muộn và ăn quá nhiều gây quá tải cho dạ dày. Không chỉ gây căng tức và khó chịu, lượng axit clohydric (HCL) trong dạ dày tiết ra nhiều, gây tổn thương niêm mạc dạ dày và gây đau đớn cho người bệnh. Việc ăn tối trước khi đi ngủ từ 2-3 giờ, tốt nhất là trước 20h, giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Trong bữa tối, nên hạn chế thịt cá và các chất gây kích ứng như ớt, tỏi, hành, đồ chiên rán. Cũng nên tránh thực phẩm gây tạo khí trong quá trình tiêu hóa như ngô, khoai lang, đậu xanh. Đồng thời, cần tăng cường sử dụng rau xanh trong bữa ăn để hạn chế tăng cân và đảm bảo hoạt động hiệu quả của dạ dày.

Ăn tối sớm với lượng vừa đủ
Ăn tối sớm với lượng vừa đủ

Tránh thức khuya

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình trạng đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa có thể có mối liên hệ trực tiếp với việc thiếu ngủ. Khoảng thời gian từ 0h đến 4h sáng là thời điểm cơ thể sản sinh nhiều hormone quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch. Việc thức khuya gây trở ngại cho quá trình này. Điều quan trọng là đi ngủ sớm và đảm bảo đủ giấc ngủ không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn giảm cơn đau dạ dày.

Người trưởng thành cần ngủ khoảng 7 giờ mỗi ngày. Trường hợp phải thức khuya vì lý do gì đó, cần cố gắng ngủ ít nhất 4-5 giờ mỗi ngày. Một giấc ngủ sâu và liên tục giúp cơ thể phục hồi năng lượng cho ngày hôm sau.

Hạn chế thức uống có cồn, tính axit cao

Thuốc lá, rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga hay các đồ uống có tính axit cao như cam quýt có thể kích ứng niêm mạc dạ dày và thực quản, tăng khả năng trào ngược dạ dày thực quản, gây đau dạ dày. Ngoài ra, caffeine có trong cà phê có thể gây mất ngủ. Vì vậy, trước khi đi ngủ, cần hạn chế sử dụng các sản phẩm này để giảm triệu chứng đau dạ dày.

Hạn chế thức uống có cồn, tính axit cao
Hạn chế thức uống có cồn, tính axit cao

Sử dụng các loại trà thảo mộc

Gừng, trà hoa cúc, cam thảo, bạc hà đều có tác dụng làm trung hòa axit trong dạ dày, làm dịu các cơn co thắt dạ dày, chống viêm, ngăn ngừa chứng đầy hơi và giảm cảm giác buồn nôn. Uống các loại trà thảo mộc này sau bữa ăn có thể giúp thư giãn và hỗ trợ ngăn ngừa triệu chứng đau dạ dày.

Uống nước mật ong ấm hoặc soda chanh

Mật ong có khả năng chống viêm, trung hòa axit và giảm cơn đau dạ dày. Với nhiều chất dinh dưỡng, uống nước mật ong ấm còn giúp giảm cảm giác đói vào ban đêm. Uống nước chanh pha một chút baking soda có thể giảm chứng ợ nóng và nồng độ axit trong dạ dày. Đôi khi, đau dạ dày có thể do khó tiêu hoặc tích tụ khí trong dạ dày. Uống nước chanh soda giúp giải phóng lượng khí bị mắc kẹt trong hệ tiêu hóa, làm giảm triệu chứng đau dạ dày.

nước mật ong ấm
Nước mật ong ấm giúp chống viêm, trung hòa axit và giảm các cơn đau dạ dày

Chườm ấm

Nếu bạn bị đau dạ dày vào ban đêm, có thể giảm đau nhanh chóng bằng cách áp ấm lên vùng bụng. Hơi nóng giúp làm dịu các cơ xung quanh dạ dày, kích thích sự di chuyển của ruột. Tốt nhất là nằm xuống giường và áp ấm vùng đau trong khoảng 15 phút để giảm cơn đau dạ dày. Bạn cũng có thể ngâm mình trong bồn tắm nước nóng trong khoảng 15-20 phút để làm dịu vùng dạ dày. Hãy chú ý đến nhiệt độ để không quá nóng hoặc quá lạnh.

Sử dụng thuốc

Khi bị đau dạ dày, tuỳ vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc trung hòa axit như phosphalugel, gastropulgite sau bữa tối 2 giờ để trung hòa lượng axit thừa. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn không nên tự ý mua và sử dụng hoặc dùng lại đơn thuốc của người khác để tránh tình trạng bệnh xấu đi.

Ngoài ra, bạn không nên tự mình sử dụng các loại thuốc giảm đau không steroid như aspirin, ibuprofen… vì chúng có thể gây kích ứng dạ dày, làm tình trạng đau bụng trở nên nghiêm trọng hơn. Đau dạ dày kéo dài vào ban đêm là dấu hiệu cảnh báo về sự bất thường về hệ tiêu hóa, do đó cần đi khám sớm. Khi đau kèm theo nôn mửa hoặc đau kéo dài…, bạn cần đến các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị.