Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào trong dạ dày trở nên đột biến, tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn vào các mô xung quanh hoặc lan sang các cơ quan khác thông qua hệ thống bạch huyết.

Ở giai đoạn đầu, bệnh không có nhiều hoặc hầu như không có triệu chứng, đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề dạ dày khác. Việc sàng lọc ngay cả khi không có triệu chứng có thể phát hiện ung thư sớm, nâng cao hiệu quả điều trị và tăng tỷ lệ sống trên 90%. Dưới đây là 6 nhóm người cần được sàng lọc sớm ung thư dạ dày.

Người bị nhiễm khuẩn H.P

Một số nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày gấp 2,5 lần. Khoảng 2-3% người nhiễm H. pylori phát triển trực tiếp ung thư biểu mô tuyến dạ dày và hơn 60% số ca bệnh được phát hiện có liên quan đến nó. Vi khuẩn này cũng gây ra nhiều vấn đề dạ dày khác như viêm dạ dày cấp tính hoặc mãn tính, viêm loét dạ dày… và tạo ra những tổn thương tiền ung thư.

Khi xâm nhập vào dạ dày, H. pylori gây ra tình trạng viêm nhiễm liên tục. Các tế bào trong dạ dày bị tổn thương, biến đổi và dẫn đến sự không ổn định về cấu trúc, từ đó dẫn đến ung thư. Ung thư dạ dày thường phát triển qua các giai đoạn bao gồm viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản và tiến triển thành ung thư dạ dày.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ước tính khoảng 2/3 dân số thế giới bị nhiễm H. pylori. Với tỷ lệ lây nhiễm cao như vậy, nhóm người nhiễm vi khuẩn H. pylori cần đề phòng những biến chứng như ung thư. Trường hợp nhiễm H. pylori không có triệu chứng là rất phổ biến và có thể dẫn đến ung thư dạ dày một cách âm thầm. Vì vậy, nếu nhiễm vi khuẩn H. pylori, người bệnh nên được sàng lọc sớm.

Người bị nhiễm khuẩn H.P
Người bị nhiễm khuẩn H.P

Người nghiện thuốc lá và bia rượu

Theo phân tích tổng hợp của Đại học Khoa học Y tế Hamadan (Iran) dựa trên 233 nghiên cứu trên hơn 33 triệu người, hút thuốc lá đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày lên tới 61%. Các chuyên gia giải thích rằng hút thuốc lá còn làm giảm hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn H. pylori trong dạ dày, làm cho tình trạng nhiễm trùng tiến triển xấu hơn so với không hút thuốc. Số lượng thuốc lá hút hàng ngày và thời gian hút thuốc có mối liên hệ thuận tỷ với nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nếu người hút thuốc lá trước tuổi 26, nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao.

Nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Hamadan cũng cho thấy, nghiện rượu bia lâu năm tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến 73%. Hai nhóm đối tượng này cần được sàng lọc ung thư dạ dày sớm.

Thói quen ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn

Tiêu thụ quá mức muối, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, rau quả ngâm dấm, muối chua… đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều muối khiến lớp niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương, gây chết tế bào hoặc kích thích tế bào tái tạo, dẫn đến viêm nhiễm và teo dạ dày. Những tổn thương này tăng khả năng nhiễm vi khuẩn H. pylori hoặc có thể làm trầm trọng tình trạng nhiễm trùng, góp phần hình thành những tổn thương tiền ung thư.

Các hợp chất natri nitrat, nitrit có trong thực phẩm chế biến sẵn, khi được tiêu thụ quá mức, tạo ra nitrosamin có hàm lượng cao, gây độc và tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Những người thường xuyên ăn mặn và tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn cần được sàng lọc ung thư dạ dày sớm.

Gia đình có người mắc ung thư dạ dày

Một nghiên cứu từ Bồ Đào Nha và Italy, được công bố trên thư viện Y khoa Mỹ, cho thấy 10% số ca ung thư dạ dày có yếu tố gia đình. Trong số này, các trường hợp có yếu tố di truyền chiếm 1-3% tổng số ca bệnh. Nếu trong gia đình có cha, mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày, bạn nên được sàng lọc ung thư dạ dày ngay cả khi chưa có triệu chứng. Phát hiện sớm bệnh giúp xác định phương án điều trị phù hợp.

Từng phẫu thuật điều trị bệnh dạ dày

Những người từng phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày hoặc điều trị viêm loét dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao sau một khoảng thời gian. Nhóm người này cần được khám định kỳ để kiểm tra chức năng dạ dày và sàng lọc nguy cơ ung thư.

Người cao tuổi

Nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng đáng kể sau tuổi 50. Do đó, nhóm người này cần được sàng lọc sớm ung thư dạ dày. Theo thống kê của Globocan 2020, có hơn 17.000 ca mắc mới ung thư dạ dày và gần 14.700 ca tử vong do bệnh này. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng và xu hướng trẻ hóa. Ngày nay, có nhiều trường hợp mắc ung thư dạ dày dưới 40 tuổi.

Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm tiến triển chậm và thường khó nhận biết qua triệu chứng lâm sàng. Hầu hết các trường hợp được phát hiện đã ở giai đoạn muộn, do đó tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát khi được phát hiện ở giai đoạn sớm. Sàng lọc ung thư dạ dày sớm có thể cải thiện khả năng sống sau điều trị và thậm chí có thể điều trị hiệu quả.