Căng thẳng có thể khiến thực quản bị co thắt, tăng axit trong dạ dày dẫn đến khó tiêu, viêm ruột nặng hơn.

Theo giáo sư Kenneth Koch của Đại học Wake Forest (Mỹ), có một mối liên kết và giao tiếp liên tục giữa não và ruột. Hệ thống thần kinh trung ương trong não và tủy sống đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh một phần của hệ tiêu hóa, đặc biệt là ruột. Ruột có một hệ thống tế bào thần kinh riêng biệt trong lớp niêm mạc của nó, được gọi là hệ thần kinh ruột.

Hệ thống thần kinh ruột bao gồm khoảng 100 triệu tế bào thần kinh dọc theo đường tiêu hóa từ thực quản đến trực tràng. Chúng có nhiệm vụ điều chỉnh các quá trình như nuốt, tiết ra enzyme để phân giải thức ăn, và biến đổi thực phẩm thành chất dinh dưỡng hoặc chất thải. Vì vậy, tình trạng căng thẳng tinh thần có thể tác động đến cách cơ thể thực hiện các quá trình này và ảnh hưởng đến các bộ phận của hệ tiêu hóa.

căng thẳng gây đau dạ dày
Căng thẳng khiến co thắt thực quản, tăng axit dạ dày, khó tiêu, viêm ruột…

Cụ thể, khi chúng ta đối mặt với tình huống có khả năng đe dọa, hệ thống thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt cơ thể để giải phóng hormone căng thẳng như cortisol. Hormone này đóng vai trò trong việc báo hiệu cho cơ thể nắm bắt tình huống và chuẩn bị đối phó với mối đe dọa. Lúc này, căng thẳng có thể gây ra những thay đổi sinh lý như tăng trạng thái nhận thức, tăng nhịp thở và nhịp tim, gia tăng huyết áp, cholesterol và căng cơ.

Căng thẳng cũng có thể kích hoạt các phản ứng này trong hệ thống thần kinh trung ương, tác động đến hệ tiêu hóa, chẳng hạn như làm thực quản co thắt, tăng mức axit trong dạ dày, gây khó tiêu. Tình trạng này còn có thể làm bạn cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, căng thẳng có thể làm giảm lưu lượng máu và oxy đến dạ dày, dẫn đến chuột rút ở bụng, viêm hoặc sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Nó có thể dẫn đến các rối loạn tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột, loét hoặc trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng hơn.

Để giảm thiểu tác động của căng thẳng lên hệ tiêu hóa, quản lý căng thẳng là cách tốt. Tập thể dục và các kỹ thuật như yoga và thiền có thể giúp giảm căng thẳng. Hoạt động thể chất giúp giảm stress và kích thích sự giải phóng chất hóa học trong não, gọi là endorphin, hoạt động như thuốc giảm đau tự nhiên. Theo Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm Mỹ, endorphin cải thiện giấc ngủ và giúp giảm căng thẳng. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa.

tập thể dục giảm căng thẳng
Tập thể dục và các kỹ thuật như yoga và thiền có thể giúp giảm căng thẳn

Nghiên cứu của Trường Đại học Calgary (Canada) vào năm 2022 đã chỉ ra rằng tập yoga giúp giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Nó cũng có lợi cho những người mắc các vấn đề về tiêu hóa như bệnh viêm loét đại tràng. Thậm chí, người mắc viêm ruột cũng đã ghi nhận sự cải thiện về chất lượng cuộc sống sau khi tham gia vào yoga.

Nghiên cứu từ Trường Đại học Cambridge (Anh) vào năm 2018 cũng đã chỉ ra rằng việc thực hiện thiền hàng ngày trong khoảng thời gian ngắn có thể giảm căng thẳng và cải thiện tâm lý. Thiền cũng có tác dụng nâng cao sức khỏe tinh thần và tạo ra tâm trạng tích cực hơn cho người thực hiện. Khi bạn kiểm soát căng thẳng, tác động của nó lên hệ tiêu hóa sẽ ít hơn, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh về đường ruột.