Đau dạ dày có thể xảy ra bất ngờ hoặc là triệu chứng liên tục, tái phát. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau dạ dày. Một số trường hợp tự giảm triệu chứng, nhưng cũng có những lúc cơn đau dạ dày trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị. Dưới đây là các vấn đề tiêu hóa thường gặp dẫn đến đau dạ dày theo Very Well Health (Mỹ).

  • Khó tiêu: Đây là một trong những triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa. Các dấu hiệu của khó tiêu bao gồm đau ở vùng bụng trên, cảm giác nóng rát ở bụng trên (ợ chua), bụng phình to, ợ hơi, cảm giác no sau khi ăn, âm thanh ọc ọc từ dạ dày, buồn nôn và khí đầy bụng. Để giảm triệu chứng ợ chua, bạn nên thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng liệu pháp tâm lý. Trong trường hợp nặng, cần thăm khám để được bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Ngộ độc thực phẩm: Ngộ độc thực phẩm có thể do vi khuẩn, độc tố, virus và ký sinh trùng gây ra. Các triệu chứng thông thường bao gồm co thắt dạ dày mạnh, tiêu chảy và nôn mửa. Ở một số người, triệu chứng có thể nghiêm trọng và nguy hiểm tính mạng. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh ngộ độc thực phẩm sẽ tự giảm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, những người có triệu chứng nghiêm trọng nên thăm bác sĩ.

đau nhói dạ dày

  • Viêm dạ dày ruột: Còn được gọi là bệnh cúm dạ dày, đây là một bệnh nhiễm trùng dạ dày hoặc ruột. Thường gây ra bởi virus như norovirus ở người lớn và rotavirus ở trẻ em. Một số trường hợp viêm dạ dày ruột cũng có thể do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Triệu chứng có thể bao gồm đau bụng nặng, nôn mửa, tiêu chảy, buồn nôn và sốt. Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho viêm dạ dày ruột, nhưng giải pháp bù nước có thể hữu ích.
  • Rối loạn tiêu hóa do không dung nạp lactose: Các triệu chứng của rối loạn này cũng bao gồm đau dạ dày. Ngoài ra, không dung nạp lactose còn gây đau bụng, chuột rút, chướng bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Mỗi người có thể có những triệu chứng khác nhau, thường bắt đầu từ 30 phút đến 2 giờ sau khi tiêu thụ thức ăn hoặc đồ uống chứa lactose. Lactose là một loại đường thường được tìm thấy trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Rối loạn không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể không thể tiêu hóa lactose đúng cách.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là một tình trạng tiêu hóa chức năng mạn tính. Với IBS, các triệu chứng thường xảy ra đồng thời. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, thay đổi nhu động ruột, tiêu chảy và táo bón. Bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, sử dụng thêm probiotics hoặc nhờ sự can thiệp từ bác sĩ tâm lý nếu căng thẳng là nguyên nhân gây ra triệu chứng.
  • Viêm ruột thừa: Xảy ra khi có nhiễm trùng trong hệ tiêu hóa hoặc tắc nghẽn đường dẫn giữa ruột già và ruột thừa. Triệu chứng phổ biến nhất của viêm ruột thừa là đau ở vùng bụng. Cơn đau này có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Viêm ruột thừa thường bắt đầu gần rốn và di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng. Cơn đau sẽ tăng cường khi di chuyển, chạm vào, thở, hoặc hắt hơi. Nếu không được điều trị, ruột thừa có thể vỡ trong 48-72 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng khác có thể đi kèm gồm nôn mửa, sốt, ớn lạnh, táo bón, sưng bụng và chán ăn.
  • Sỏi mật: Đây là những chất lắng đọng cứng, nhỏ tạo thành trong túi mật. Khi sỏi mật làm tắc ống mật, mật có thể tích tụ trong túi mật, gây đau túi mật. Triệu chứng gây ra bởi sỏi mật bao gồm đau bụng kéo dài hàng giờ, sốt, lạnh, ớn lạnh, buồn nôn, vàng da, phân nhạt và nước tiểu màu trà.
  • Loét dạ dày: Đây là một vết loét có thể hình thành trong niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài có nguy cơ cao bị loét dạ dày tá tràng. Triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng là đau hoặc đau âm ỉ ở dạ dày. Cơn đau thường xảy ra khi dạ dày trống rỗng. Bên cạnh đó, người bị loét dạ dày còn có triệu chứng buồn nôn, giảm cân và chán ăn.