Bệnh viêm dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP đặc biệt nguy hiểm vì phải xét nghiệm mới biết được, đồng thời loại vi khuẩn này có thể lây cho người khác qua nhiều đường khác nhau và có thể gây ung thư dạ dày. Vậy khi được kết luận dương tính HP, người bệnh phải làm gì?
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là loại xoắn khuẩn thường cư trú tại lớp giữa chất nhày và niêm mạc dạ dày. Chúng gây viêm niêm mạc dạ dày, dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết dạ dày, bệnh U lumpho tế bào hay thậm chí là gây ung thư dạ dày.
Các nghiên cứu mới nhất còn phát hiện ra vi khuẩn HP dạ dày còn cư trú tại khoang miệng, trong các hốc amidan và hốc xoang, đường ruột. Nhưng ghi nhận tác hại của vi khuẩn HP chỉ mới trên mình dạ dày.
Một số cách để biết vi khuẩn HP dương tính
- Kiểm tra mô bệnh học: lấy tế bào dạ dày, nhuộm và quan sát dưới kính hiển vi, nếu thấy có vi khuẩn HP thì là vi khuẩn HP dương tính.
- Nuôi cấy tế bào: mảnh sinh thiết tế bào bị bệnh được sử dụng để mang đi nuôi cấy trong môi trường đặc biệt, sau một thời gian thấy vi khuẩn HP xuất hiện tức là HP dương tính.
- Test thở UBT: bệnh nhân thổi vào một thiết bị, sau đó đánh giá qua thiết bị đo đặc biệt với thông số DPM (độ phân giải của chất phóng xạ trong một phút). Phương pháp này cho kết quả khá nhanh sau vài phút nhưng độ chính xác không cao. Kết quả dựa theo thông số này như sau:
– DPM< 50: vi khuẩn HP âm tính.
– DPM 50-199: không xác định vi khuẩn HP dương tính hay âm tính.
– DPM> 200: vi khuẩn HP dương tính
Cần xét nghiệm để biết có bị nhiễm khuẩn HP không
Nếu bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP cần làm gì?
Khi đã xác định được nguyên nhân viêm dạ dày là do vi khuẩn HP, người bệnh cần lưu ý:
- Ăn thức ăn dễ tiêu, đồ chín, không ăn đồ chua, cay, nóng. Nên ăn chậm, nhai kỹ.
- Ăn đúng giờ, tránh để đói hoặc no quá.
- Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá, và sử dụng các chất kích thích. Tránh thức uống ảnh hưởng dạ dày như thuốc vitamin C, các thuốc dạng sủi bọt, thuốc giảm đau kháng viêm và corticoide.
- Điều chỉnh lại lịch sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng, lo âu, cần làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ vì có thuốc phải uống trước bữa ăn, có thuốc uống sau ăn mới phát huy tác dụng, uống thuốc phải đủ liều lượng, đủ thời gian, không được thấy hết đau tự ý ngưng thuốc.
Lưu ý sau điều trị viêm dạ dày do vi khuẩn HP:
- Sau khi điều trị đủ thuốc, bác sĩ sẽ cho ngưng thuốc 1 thời gian. Đúng hẹn người bệnh cần tiến hành kiểm tra lại tình trạng vi khuẩn HP đã khỏi chưa. Thử sớm hơn thời gian quy định sẽ cho kết quả không chính xác.
- Sau khi vi khuẩn HP đã không còn, cần điều trị lành các vết viêm. Nhớ tránh những khả năng có thể làm tái nhiễm HP như dùng chung dụng cụ ăn uống với người có HP trong cùng bữa ăn.
- Nếu trong gia đình có người nhiễm HP, nên đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị hợp lý.
Viêm dạ dày do vi khuẩn HP gây ra có thể dẫn tới ung thư dạ dày. Tuy nhiên, có thể khỏi HP nếu tuân thủ điều trị, vì vậy ngay khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh dạ dày, người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để sớm có hướng điều trị phù hợp.