Mùa đông đến, nhiệt độ giảm làm tốc độ trao đổi chất chậm lại để bảo tồn năng lượng và giữ nhiệt cho cơ thể. Do đó mọi người thường gặp nhiều vấn đề như đau bụng, đầy hơi, trào ngược… vào mùa lạnh. Cùng tham khảo những lời khuyên dưới đây để phòng tránh bệnh dạ dày trong những ngày giá rét.

Một trong những nguyên nhân khiến dạ dày gặp nhiều vấn đề khi nhiệt độ xuống là sử dụng nhiều đồ ăn vặt, thức ăn nhanh. Những thực phẩm này chứa lượng lớn muối, chất béo và đường có thể kích ứng đường tiêu hóa, gây khó chịu.

phòng tránh đau dạ dày mùa lạnh
Mùa lạnh mọi người dễ gặp vấn đề như đau bụng, đầy hơi, trào ngược

Thêm một lý do khác là nhiều người cảm thấy căng thẳng, lo lắng do cơ thể khó thích nghi với nhiệt độ thấp. Căng thẳng có tác động xấu đến cơ thể, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa trước tiên.

Đồng thời, chu kỳ giấc ngủ của nhiều người bị gián đoạn và mùa lạnh, giảm lượng nước uống hàng ngày, ít tập thể dục, quá trình trao đổi chất chậm lại… góp phần làm giảm đáng kể thời gian tiêu hóa thức ăn, gây ra các tác động tiêu cực đến dạ dày.

Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ bệnh dạ dày, chúng ta nên lưu ý:

  • Giữ ấm cơ thể: Để tăng cường quá trình trao đổi chất, mọi người nên giữ ấm cho cơ thể tránh tối đa tác động của nhiệt độ, gió lạnh ngoài trời, nhất là vùng bụng. Mặc nhiều lớp quần áo, dùng các vật dụng bảo vệ khác như găng tay, mũ, khăn quàng cổ khi ra ngoài vào những ngày trời lạnh để tăng nhiệt độ cơ thể và tăng tốc độ trao đổi chất.
  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống có ga: vì lượng cacbonat dễ làm kích ứng đường tiêu hóa, khiến các vấn đề của dạ dày ruột trầm trọng hơn. Nên chọn đồ uống có thể cải thiện chức năng của đường ruột, nâng cao sức đề kháng như nước trái cây, trà ấm…
  • Uống đủ nước: Mùa đông lạnh, cơ thể giảm lượng mồ hôi do xu hướng ít vận động, tập thể thao. Mọi người nên đảm bảo uống đủ nước và ưu tiên nước đủ ấm. Nước giúp tăng tốc độ loại bỏ các độc tố, duy trì quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa các tình trạng tiêu hóa kém.
  • Tránh thực phẩm cay: những loại này dễ gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng khó chịu cho dạ dày như ợ chua, đầy bụng, khó tiêu…
  • Xây dựng chế độ ăn: Ăn nhiều bữa nhỏ với lượng thức ăn vừa đủ, không nên ăn quá nhiều hoặc quá no, nhất là thực phẩm chứa nhiều đạm, hỗ trợ giảm gánh nặng cho cơ quan này. Thay vào đó mọi người nên ăn các món dễ tiêu, ưu tiên canh súp nóng, rau xanh nhiều chất xơ, các loại thảo mộc gia vị và thực phẩm chứa nhiều vitamin D.
  • Duy trì vận động thể chất: Khi vận động hợp lý, cơ thể chuyển động làm tăng tốc độ, kích thích lưu lượng máu đến hệ tiêu hóa.
  • Lối sống khoa học: giảm căng thẳng, không hút thuốc, uống rượu bia hỗ trợ giảm các vấn đề về tiêu hóa trong mùa đông.
phòng tránh bệnh dạ dày mùa đông
Sống và xây dựng chế độ ăn khoa học giúp bảo vệ dạ dày vào mùa đông

Khi gặp các vấn đề về tiêu hóa, người bệnh có thể giảm khó chịu bằng cách không nằm hoặc đi ngủ trong vài giờ sau bữa ăn, kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ và có tính axit khi đau dạ dày, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Hầu hết triệu chứng khó chịu thường nhẹ và hồi phục nhanh chóng khi cải thiện lối sống, chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu đau bụng ngày càng tăng, nôn mửa dai dẳng, ợ chua, ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, trào ngược dạ dày thực quản…. người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám.