Viêm loét dạ dày là tình trạng mô niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây ra viêm sưng và lâu ngày tạo thành các vết loét, gây ra các triệu chứng đau đớn và khó chịu. Trong giai đoạn đầu, những vết loét nhỏ có thể tự lành mà không cần điều trị.

Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày

Nhưng vết loét lớn gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng như đau vùng thượng vị dữ dội, cảm giác cồn cào, nóng rát, khó tiêu, ợ chua, buồn nôn, miệng hôi, cảm giác nóng sốt và tiêu chảy. Khi gặp những triệu chứng này, người bệnh cần được bác sĩ điều trị bằng thuốc và tuân thủ chế độ ăn uống để tránh tình trạng bệnh trở nặng thêm.

Người bệnh cần hạn chế sử dụng các thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày, nên tiêu thụ thực phẩm giúp giảm tiết dịch vị và giảm tác dụng của axit tiết ra trong niêm mạc dạ dày để tránh việc niêm mạc bị phá hủy liên tục, dẫn đến viêm loét dạ dày và viêm mạn tính. Bên cạnh đó, bổ sung thực phẩm giúp chữa lành và giảm kích ứng niêm mạc dạ dày và tá tràng, đồng thời hạn chế sự sản xuất axit dư thừa, vì có thể làm trầm trọng thêm vết loét.

Chế độ ăn uống dinh dưỡng cần cân bằng và đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu, bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tăng cường việc tiêu thụ rau xanh, trái cây và ngũ cốc – các nguồn thực phẩm giàu vitamin và chất xơ, giúp giảm nguy cơ loét và sửa chữa các mô bị tổn thương.

Các bác sĩ cũng lưu ý các thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bị viêm loét dạ dày:

  • Trái cây: Người bệnh nên ưu tiên tiêu thụ các loại trái cây tươi giàu chất xơ và chất chống oxy hóa, như táo, nho, và lựu. Hạn chế ăn các loại trái cây có múi như cam, quýt, và bưởi, vì chúng có thể gây trào ngược dạ dày.
  • Rau: Nên tiêu thụ các loại rau màu xanh lá, màu đỏ và cam tươi, như bông cải xanh, súp lơ trắng, và cải xoăn, chúng chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, giúp quá trình chữa lành bệnh dạ dày.
  • Protein nạc: Nguồn protein nạc như thịt gia cầm không da, thịt bò nạc, cá, trứng, đậu phụ và các loại đậu, nấm, là lựa chọn tốt, vì chúng ít chứa chất béo. Nên tiêu thụ các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi, chúng cung cấp chất béo lành mạnh omega-3, giúp giảm viêm và ngăn ngừa vết loét mới.
Những thực phẩm nên ăn khi bị viêm loét dạ dày
Những thực phẩm nên ăn khi bị viêm loét dạ dày
  • Sữa lên men: Sữa lên men là lựa chọn tốt, vì lợi khuẩn cùng với protein trong sữa lên men hỗ trợ quá trình chữa bệnh dạ dày.
  • Bánh mì và ngũ cốc: Bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt hoặc ngũ cốc nứt như yến mạch, gạo lứt, bỏng ngô, và bánh mì nguyên cám là nguồn chất xơ tốt để đưa vào chế độ ăn uống cho người có đường ruột yếu.
  • Các loại thảo mộc và gia vị: Các loại thảo mộc và gia vị dịu nhẹ như nghệ, quế, gừng và tỏi là những lựa chọn tốt, vì chúng có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
  • Mật ong: Mật ong có khả năng kháng khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn HP và các vi khuẩn khác, nên nó được khuyến nghị cho người bệnh dạ dày. Uống ly mật ong pha với nước ấm vào buổi sáng là lựa chọn tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như rượu, cà phê, trà, nước uống có ga và sữa, vì những thức uống này làm tăng sản xuất axit dạ dày và làm chậm quá trình lành vết thương. Hạn chế một số loại thịt nguội như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông và lạp xưởng. Tránh bổ sung quá nhiều chất béo bão hòa (thịt động vật) và thức ăn chiên xào, vì chúng có thể làm tăng axit dạ dày và gây ra triệu chứng trào ngược.

viêm loét dạ dày không nên ăn gì
Nên hạn chế đồ cay nóng cùng rượu, bia, nước có ga… khi bị viêm loét dạ dày

Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu và các loại nước sốt chứa nhiều gia vị cay nóng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thực phẩm mặn như dưa chua, thực phẩm lên men và giấm có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn HP, vì vậy cũng nên tránh sử dụng chúng.

Người bệnh nên ăn các thực phẩm mềm, được băm nhỏ, ninh nhừ và tăng cường tiêu thụ món luộc, hấp, hạn chế chế biến thức ăn xào và rán. Nên ăn chậm và nhai kỹ thức ăn để tăng sự bài tiết của nước bọt, giúp giảm axit và bão hòa axit có trong dạ dày. Nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau khoảng 2-3 giờ, và không ăn quá no, để tránh làm phồng căng dạ dày và sinh ra nhiều axit có hại, dẫn đến tình trạng bệnh nặng thêm.