Bên cạnh việc gây ra ung thư phổi, thuốc lá đã được chứng minh có thể làm hư hại lớp nhày bảo vệ dạ dày, và gây ra các bệnh lý về dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày, loét tá tràng… và thậm chí là ung thư dạ dày.

1 điếu thuốc lá – hơn 4000 loại hóa chất khác nhau

Bản thân mỗi điếu thuốc lá đều chứa hơn 4000 hóa chất các loại và trong số đó có khoảng 200 loại được xếp vào nhóm “độc hại với sức khỏe con người”.

viêm loét đau dạ dày 1
1 điếu thuốc lá chứa hơn 4000 loại hóa chất khác nhau trong đó 200 loại thuộc nhóm gây hại cho sức khỏe con người

Các chất độc trong khói thuốc hầu hết là các chết độc tế bào, có tính gây nghiện và có khả năng gây ung thư và được chia thành 4 nhóm chính:

  • Nicotine: Thành phần tạo nên mùi đặc trưng của thuốc lá. Đây là một chất có khả năng gây nghiện, lệ thuộc.
  • Khí CO (carbon monoxide): Khí độc hại, có khả năng kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu khiến nó mất đi chức năng vận chuyển oxy
  • Các chất gây kích thích: Có thể là các khí gây kích ứng mạnh hoặc các hạt li ti có thể bám vào phổi, thực quản, vòm họng, dạ dày,…
  • Các hợp chất gây ung thư: Bao gồm Benzopyrene, Dibenzopyrène, Cancérogènes,…

Điều đáng sợ là khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến người hút, mà còn gây hại cho những người xung quanh hít phải nó.

“Hành trình” của khói thuốc trong dạ dày

Sau khi được hấp thụ vào cơ thể, các thành phần của khói thuốc lá đến với dạ dày qua hai đường: trực tiếp và đường máu. Khi hút thuốc, một phần khói thuốc, muội than, các hạt siêu nhỏ,… sẽ được “nuốt”, qua thực quản và vào dạ dày. Một phần khác thông qua con đường trao đổi khí ở phổi đi vào máu, theo tuần hoàn máu đến với dạ dày. Tại đây, các thành phần trong khói thuốc sẽ ít nhiều gây tổn thương dạ dày.

viêm loét đau dạ dày 2
Nicotin kích thích bài tiết các hormon cortisol – một trong những tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng mạnh

Nicotin là thành phần có hàm lượng cao trong khói thuốc, và đây là một chất nghiện có độc tính mạnh. Nicotin có khả năng kích thích bài tiết các hormon cortisol – một trong những tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng mạnh, đặc biệt là khi người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP. Bên cạnh đó nicotin còn kích thích niêm mạc dạ dày sản sinh endothelin – 1 chất làm cho cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị suy yếu và men pepsin – 1 yếu tố tấn công dạ dày.

Ngoài tác động của nicotin, các chất có trong thuốc lá còn dẫn đến việc giảm lưu lượng máu nuôi đến vùng niêm mạc dạ dày, ngăn cản không cho dạ dày bài tiết ra chất nhầy, bicarbonat và làm chậm lại quá trình làm lành những tổn thương xuất hiện trong dạ dày. Đây là lý do tại sao, những người hút thuốc lá lâu năm thường rất dễ dễ bị viêm loét dạ dày tá tràng.

Có thể tóm tắt lại những tác hại của thuốc lá đến với dạ dày như sau:.

  • Tăng nguy cơ viêm loét dạ dày do tăng các yếu tố tấn công, giảm các cơ chế bảo vệ
  • Tăng hình thành các gốc tự do có trong dạ dày và cả hệ tiêu hóa. Các gốc tự do được coi là tác nhân chính gây ung thư
  • Làm giảm khả năng tái tạo tế bào, hồi phục tổn thương trên niêm mạc dạ dày
  • Tăng nguy cơ ung thư dạ dày và các bệnh ung thư tại nhiều cơ quan khác của cơ thể

Theo một số thống kê dịch tễ, ước tính có khoảng 41% trường hợp viêm loét dạ dày ở nam giới và 33% nữ giới có liên quan đến khói thuốc lá. Không chỉ tác động lên dạ dày, thuốc lá còn làm giảm tác dụng điều trị của các thuốc điều trị viêm loét, đặc biệt là nhóm thuốc đối kháng histamin H2.

Rất nhiều người có thói quen sau khi ăn xong thì hút 1 điếu thuốc. Trong khi đó, ngay sau khi ăn, tuần hoàn máu đến dạ dày và ruột sẽ tăng lên, khiến chất độc trong khói thuốc đến đây nhiều hơn. Ước tính, hút thuốc sau ăn sẽ khiến dạ dày hấp thu lượng độc tố có trong khói thuốc gấp 10 lần so với bình thường.

Chính bởi các tác hại trên, nên những bệnh nhân đã và đang bị các bệnh lý viêm loét dạ dày cần hạn chế tuyệt đối việc hút thuốc, nếu không muốn bệnh ngày một trầm trọng hơn, tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư dạ dày.