Viêm dạ dày cấp được hiểu là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của các tác nhân gây hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày.

Hiện nay nói về viêm dạ dày người ta thường liên tưởng đến bệnh đau dạ dày một cách rộng rãi thế nhưng bản chất thuật ngữ này đôi khi vẫn chưa được hiểu một cách toàn diện.

Căn cứ vào nghiên cứu giải phẫu bệnh, các bác sĩ chia viêm dạ dày làm hai loại là viêm dạ dày cấp và viêm dạ dày mạn. Trong đó viêm dạ dày cấp được hiểu là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của các tác nhân gây hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày.

Viêm dạ dày cấp
Viêm dạ dày cấp

Nguyên nhân gây nên viêm dạ dày cấp?

Nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp rất đa dạng, và được chia làm những nguyên nhân chính sau:

Các yếu tố ngoại sinh:

  • Vi khuẩn, virus và độc tố của chúng: nhiễm khuẩn nhiễm độc do tụ cầu, coli
  • Thức ăn: nóng quá, lạnh quá, khó tiêu, nhai không kỹ hoặc uống nhiều rượu, chè đặc, cà phê, mù tạt, ớt…
  • Dùng nhiều các loại thuốc gây tác dụng bất lợi trên tiêu hóa như nhất là nhóm kháng viêm không steroid (NSAID) và một số thuốc khác
  • Các chất ăn mòn: muối, kim loại nặng (đồng, kẽm), thủy ngân, kiềm, acid sulfuric, acid chlohydric, nitrat bạc…
  • Các kích thích nhiệt, nhiễm tia xạ, dị vật…

Các yếu tố nội sinh:

  • Nhiễm khuẩn cấp tại các vị trí khác như viêm phối, viêm ruột…
  • Stress tâm lý
  • Stress cơ thể như bỏng diện rộng, chấn thương, sau phẫu thuật…
  • Bệnh tim phổi cấp, xơ gan; và cả dị ứng thức ăn: tôm, sò, ốc, hến…

Các biểu hiện của viêm dạ dày cấp

Những tổn thương trong viêm dạ dày cấp tùy theo mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân thường chia làm 4 dạng chính, với các biểu hiện như sau:

  • Viêm long dạ dày: hiện tượng này xảy ra sau khi ăn phải chất kích ứng, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus. Biểu hiện đầu tiên là niêm mạc phù nề sung huyết và có nhiều đám viêm xâm nhiễm bởi bạch cầu đa nhân ở niêm mạc. Người bệnh sẽ có cảm giác đau căng tức hoặc nóng ran vùng thượng vị, kèm theo nôn, choáng váng.
  • Viêm dạ dày thể xuất huyết: biểu hiện đó là niêm mạc người bệnh có những chấm xuất huyết đôi khi có những mảng, đám xuất huyết dưới niêm mạc và các vết xước, chảy máu, chính là do sự vỡ mạch máu lớp tiết chính. Hiện tượng này xuất hiện do các yếu tố có nguồn gốc ngoại sinh như rượu, thuốc kháng viêm… Biểu hiện lâm sàng chủ yếu thường gặp là xuất huyết. Khi chảy máu nhiều và nặng có thể gây choáng và shock. Để phát hiện tình trạng bệnh cần nội soi và chẩn đoán bệnh.
  • Viêm dạ dày thể ăn mòn: xảy ra do các chất kích ứng tác động liên tiếp lên bề mặt niêm mạc dạ dày, gây ra sự biến đổi trầm trọng cùng với sự phù nề đơn điệu của niêm mạc dạ dày và sau đó là tình trạng hoại tử tại chỗ của niêm mạc dạ dày. Mức độ tổn thương phụ thuộc bản chất và nồng độ chất gây tổn thương; ngoài ra còn phụ thuộc sự hòa loãng các chất ăn mòn do các chất bên trong dạ dày, và sự trung hòa chất kiềm do acid dạ dày. Biểu hiện đầu tiên của người bệnh chủ yếu là đau thượng vị ngay tức thì sau khi dạ dày tiếp xúc với chất kích ứng; sau đó là nôn, đôi khi nôn ra máu; trong các trường hợp nặng có thể có shock.
  • Viêm dạ dày thể nhiễm khuẩn: nguyên nhân bởi các vi sinh vật gây nhiễm khuẩn. Trong trường hợp dạ dày bị viêm tấy, dịch rỉ viêm làm mưng mủ các vách niêm mạc cùng với thành dạ dày, có thể gây hậu quả thủng và gây viêm phúc mạc. Người ta gọi đó là dạ dày phù thũng. Thể bệnh này giảm rất nhiều từ khi có kháng sinh, nhưng hiện nay đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Viêm dạ dày cấp dẫn đến hậu quả gì?

Biểu hiện của viêm dạ dày cấp
Biểu hiện của viêm dạ dày cấp

Quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, liền sẹo nhanh, phục hồi hoàn toàn, nhưng nếu gây thủng dạ dày thì hậu quả sẽ nguy hiểm hơn. Viêm dạ dày thể ăn mòn hoặc xuất huyết có thể dẫn đến shock, trụy tim mạch…. Cũng cần lưu ý rằng có thể từ viêm dạ dày cấp, nếu bị nhiều đợt có thể chuyển thành viêm mạn, vì niêm mạc bị phá hủy liên tiếp và có vai trò của cơ chế tự miễn.

Điều trị viêm dạ dày cấp như thế nào?

Viêm dạ dày cấp rất nguy hiểm vì vậy ngay khi phát hiện biểu hiện người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời. Tùy theo tình trạng mà có phác đồ điều trị cụ thể, thường là có thể cần nhịn ăn thay bằng truyền tĩnh mạch trong 1-2 ngày đầu, sau đó uống sữa, ăn thức ăn mềm như cháo, súp rồi từ từ ăn cơm bình thường.

Nguyên tắc chung trong điều trị là bù nước điện giải và chống shock; nếu có nhiễm khuẩn thì dùng kháng sinh, nếu có xuất huyết tiêu hóa thì điều trị theo phác đồ xuất huyết tiêu hóa; nếu do ngộ độc hoặc uống nhầm hóa chất thì phải rửa dạ dày…

Tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn các loại thuốc cho bệnh nhân điều trị. Ngoài ra bệnh nhân cần có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp, tránh bỏ bữa, thiếu ngủ, căng thẳng. Hãy giữ cho cuộc sống thư thái khỏe mạnh tránh lo nghĩ nhiều sẽ gây nên tình trạng bệnh ngày càng nặng.